MỤC LỤC
===
Như các bài trước Huy cũng thường nhắc đến, Website không đơn thuần là nơi đăng bài mà đó được xem như một doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có phòng ban, quy trình, phân tầng, sổ sách…một cách rõ ràng để các nhân sự hoạt động trơn tru, khách hàng dễ tìm hiểu cũng như các cơ quan thuế dễ dàng kiểm tra về doanh nghiệp.
Website cũng hoạt động tương tự, bạn nên sắp xếp và tổ chức các trang thành thư mục rõ ràng, giao diện dễ thao tác để giúp khách hàng và cả Google hiểu được. Website hoạt động về chủ đề gì, mục đích như thế nào và tạo giá trị ra sao.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tạo ra một cấu trúc Website chuẩn, từ đó giúp nâng cao khả năng tìm kiếm trang trên thanh công cụ tìm kiếm và trải nghiệm người dùng tốt hơn.
Cùng đọc nhé!
Tập trung vào chủ đề chính của website
Vài giây đầu tiên khi người dùng và cả Google tiếp xúc với Website của bạn, họ sẽ tiếp xúc với tên thương hiệu, domain, bộ nhận diện thương hiệu…Tất cả những điều này có nhất quán hay không?
Nếu bạn tập trung mảng “viết blog ra đơn”, vậy thì những điểm chạm đầu tiên nên thể hiện sao cho người dùng và cả bot Google hiểu được chủ đề một cách rõ ràng.
Nếu bạn viết về ngách “quản lý tài chính cá nhân”, thì tên thương hiệu hoặc domain cũng nên có từ khoá liên quan đến “tài chính” (dùng trực tiếp hoặc từ đồng nghĩa). Nếu được bạn tập trung thể hiện chủ đề thông qua bộ nhận diện thương hiệu: hình ảnh, màu sắc, các điểm nhấn...thể hiện được tinh thần theo chủ đề đã chọn.
Ngay những điểm chạm đầu tiên, người dùng hay bot Google nhận diện nhanh chóng chủ đề. Đây là cách để mở lối giúp người dùng và bot Google đi sâu hơn vào nội dung bên trong. Nếu phần bên ngoài bạn không làm tốt việc thoát trang là điều dễ hiểu.
Giới thiệu về Website
Trang giới thiệu, trang chính sách, trang hướng dẫn…thường bị bỏ qua hoặc nội dung sơ sài.
Google thường đánh giá cao nội dung những trang này, vì thông qua đó bot biết được mục đích thành lập trang là gì, ai là người thành lập (có chuyên môn), cách hoạt động trang và các chính sách lưu ý về bản quyền nội dung hoặc sản phẩm (đặt banner, gắn link affiliate…).
Tưởng tượng nếu bạn là người dùng vô một website bất kỳ, nội dung bên trong hướng dẫn một cách chi tiết nên đọc từ đâu đến đâu, nên đến chuyên mục nào để tìm câu trả lời cho mình, có phải là bạn sẽ cảm thấy muốn ở lại trang lâu hơn không?
Hoặc khi đọc thông tin, bạn biết được người thành lập có chuyên môn sâu trong ngách và nội dung có trích nguồn tham khảo uy tín; bạn sẽ cảm thấy tin tưởng hơn phải không?
Vậy thì Google cũng tương tự, nó là máy học nhưng được thiết kế dựa trên trải nghiệm của người dùng. Cho nên, đừng quên làm nội dung thật sâu ở những trang này.
Thiết lập cấu trúc Website
Có 2 cách để lập cấu trúc Website là: cấu trúc Silo và cấu trúc Pillar&Cluster. Huy sẽ giới thiệu cho mọi người từng loại phù hợp với dạng Website nào.
Đối với Freelancer, Solo hoặc SME dạng Website phổ biến dễ làm nhất là Blog – là thuần nội dung giá trị. Cộng thêm bạn có sản phẩm/dịch vụ có thể bán trên Landing Page riêng hoặc chuyên mục sản phẩm gắn trên Website.
Nếu chỉ tập trung xây dựng nội dung giá trị trên Blog, bạn cân nhắc dùng cấu trúc Pillar&Cluster.
Nếu tập trung phát triển sản phẩm (khoá học, ebook, coach 1-1, thương mại điện tử…), bao gồm cả nội dung Blog, bạn cân nhắc áp dụng cấu trúc Silo.
Vậy cụ thể 2 cấu trúc này như thế nào?
Cấu trúc Silo
Đây là cấu trúc chia website thành các thư mục (category) khác nhau. Trong từng thư mục chia thành các thư mục nhỏ hơn. Trong mỗi thư mục nhỏ là các chuỗi bài viết kết nối với nhau.
Ví dụ:
Web1trang chia làm 4 mục chính: Trang chủ, Website, Landing page, Chia sẻ…
Trang về sức khoẻ có thể chia nhỏ hơn: Trang chủ, Sức khỏe (Yoga, Eat Clean, Chạy bộ, Sản phẩm sức khoẻ…), Làm đẹp (Dưỡng da, dưỡng tóc, Make-up, Thời trang…)
Website với cấu trúc Silo giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin, bằng cách nhấn chuột vào từng thư mục trên thanh điều hướng. Tiếp tục thao tác đi sâu hơn nữa vào chuyên mục con, vào từng bài chi tiết.
Tương tự, bot Google cũng sẽ hoạt động tương tự như con người theo quy trình: Cào thông tin -> Phân loại thông tin -> Lập chỉ mục trang -> Cho lên top.
Thời gian đầu, bạn đang làm quen với nội dung trong ngách đã chọn có thể cân nhắc chưa làm cấu trúc Silo, bạn có thể áp dụng cấu trúc thứ hai.
Cấu trúc Pillar&Cluster
Cấu trúc theo Topic Cluster (cụm chủ đề) là cách thức tạo ra chuỗi bài viết dạng hình tròn. Có nghĩa là bạn viết một bài tổng quát về chủ đề đang chọn, gọi là Pillar Page. Tiếp theo, để làm rõ nội dung từng phần trong bài tổng, chúng ta sẽ đào sâu bằng cách viết những bài con, gọi là Cluster Content.
Tóm lại,
Pillar page là trang chủ đề chính đề cập đến nội dung tổng quát
Cluster content: đi sâu hơn vào chi tiết từng hạng mục được đề cập trong Pillar page
Mỗi chuỗi bài theo dạng này sẽ có 1 bài Pillar và tầm 5-6 bài Cluster. Bạn dùng internal link kết nối bài Pillar với từng bài Cluster, và ngược lại mỗi bài Cluster sẽ đều dẫn ngược về bài Pillar.
Ví dụ:
Pillar:
-Đọc sách là gì? Tất tần tật những hiểu biết để hình thành thói quen đọc sách
Cluster:
-Lợi ích đọc sách?
-Cách đọc sách hiệu quả
-Các câu châm ngôn truyền động lực đọc sách
-Hình thành thói quen đọc sách
-Top 5 đầu sách đáng đọc nhất 2024
Nếu bạn mới bắt đầu lập website, hãy thử đi theo dạng cấu trúc bài theo kiểu này sẽ rất hiệu quả và dễ làm.
Xây dựng cấu trúc URL
Song song với việc chọn cấu trúc Silo hay Topic Cluster. Bạn cũng nên lưu ý thiết lập URL từng trang đi theo cấu trúc đã chọn.
URL là đường dẫn, có thể được xem là ký hiệu để giúp bot Google hiểu được cách cấu trúc Website theo ngôn ngữ máy học.
Google sẽ quét toàn bộ URL và phân tầng thành thư mục lớn, thư mục nhỏ. Cho nên nếu bạn xếp URL đi theo tầng nội dung thì sẽ giúp Google chấm điểm cao hơn cho Website của bạn.
Cấu trúc Website: Silo hay Pillar&Cluster
Vậy đối với Freelancer, Solo, SME nên chọn đi theo cấu trúc nào, Silo hay Pillar&Cluster.
Theo quan điểm của Huy, nếu bạn có ý định mở rộng Website sau này, không bị bó hẹp trong một chuỗi bài viết thì cấu trúc Silo rất phù hợp (dự trù trước nếu sau này mở rộng thị trường ngách).
Còn đối với Pillar&Cluster, là kiểu bạn muốn đơn giản hoá nội dung cho một ngách đã chọn. Bạn tối ưu bằng cách tập trung vào một chuỗi bài giúp thoả mãn độc giả trong ngách, chuyển đổi ra đơn hàng nhanh hơn.
Do đó, nếu bạn nào đã có sẵn nhiều nội dung cần sắp xếp lại hoặc đã có kế hoạch tầm 100 bài viết (có thể thành nhiều thư mục), bạn có thể cân nhắc cấu trúc Silo.
Còn nếu, bạn chỉ có tầm 15-20 bài, chỉ đủ triển khai chi tiết cho ngách đã chọn, bạn có thể chọn đi theo cấu trúc Topic Cluster. Cách này đi sẽ khá đơn giản, giúp độc giả đi vào Website và tìm được bài viết đáp ứng nhu cầu ngay, thay vì phải đi tìm kiếm trong nhiều chuyên mục.
Mỗi loại đều có cái hay của nó, nếu bạn cần tìm hiểu thêm về cách xây dựng website thì có thể cân nhắc tham gia vào khóa học “Thiết kế Website với Wix“.
Còn nếu chưa tham gia được khoá học cũng không sao, bạn chỉ cần bình luận bên dưới Huy sẽ giải đáp thêm cho mọi người nha. Huy chúc bạn làm tốt ở phần này.
*Bài viết nằm trong chuỗi Marketing Website – biến Website thành business online.