top of page

Hiểu rõ Google Analytics qua 4 nguồn dữ liệu cốt lõi

Ảnh của tác giả: Web1trang.vnWeb1trang.vn

Đã cập nhật: 11 thg 12, 2024

MỤC LỤC:

===

Google Analytics - công cụ phân tích Website tuyệt vời của Google chính là chìa khóa giúp bạn đưa ra các quyết định đúng đắn trong việc tối ưu Website. 


Bài viết này Huy sẽ cho bạn xem bức tranh tổng quan về công cụ Google Analytics. Với những kiến thức này sẽ giúp bạn không bối rối trước nhiều thông tin khi bắt đầu sử dụng công cụ. Bạn biết mình cần tập trung vào thông tin nào. 


*Lưu ý: bài viết không hướng dẫn cách cài đặt, hay cách đo lường cụ thể cho một website, bạn chỉ cần nắm bức tranh tổng quan là có thể tự mình tìm hiểu sâu hơn.


Google Analytics là gì?

Google Analytics là công cụ phân tích dữ liệu miễn phí do Google cung cấp, được thiết kế để theo dõi, phân tích hành vi và đưa ra báo cáo số liệu về lượt truy cập của người dùng trên website. Đây là công cụ lý tưởng để bạn hiểu rõ toàn bộ hoạt động BÊN TRONG từ đó tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của website. 


Công cụ này có bản trả phí với các tính năng nâng cao nhưng thường dành cho các doanh nghiệp với lưu lượng truy cập lớn. Còn bạn sử dụng phiên bản miễn phí cũng đã đầy đủ để đáp ứng phần lớn nhu cầu. 

Google Analytics

Lợi ích khi sử dụng Google Analytics

  1. Hiểu rõ hơn về khách truy cập: Công cụ này giúp bạn hiểu rõ hơn về độ tuổi, hành vi mua hàng, sở thích, cũng như vị trí địa lý trên website của khách truy cập. Vì vậy bạn sẽ xác định được đúng tệp khách hàng và có cách chăm sóc họ tốt hơn.


  1. Cải thiện hiệu quả marketing và tăng trưởng doanh thu: Bằng cách phân tích các kênh truy cập và đo lường hiệu quả các chiến dịch, bạn sẽ thấy điều gì cần cải thiện để tối ưu hoá chiến lược, đáp ứng nhu cầu của người dùng nhằm thu hút, cũng như giữ chân khách hàng tiềm năng, và gia tăng doanh số. 


  1. Tối ưu hóa chiến lược SEO và tăng tỷ lệ chuyển đổi: Google Analytics cung cấp dữ liệu quan trọng về hiệu suất SEO, như các trang có traffic cao, tỷ lệ thoát lớn, giúp bạn tối ưu nội dung và thiết kế để tăng thứ hạng tìm kiếm. Đồng thời, hiểu rõ nhu cầu người dùng giúp cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và đạt mục tiêu kinh doanh.


  1. Dễ dàng tích hợp: Google Analytics dễ dàng tích hợp với nhiều công cụ khác. Ví dụ khi liên kết với Google Ads giúp bạn đánh giá hiệu quả chiến dịch quảng cáo. Tích hợp với Google Search Console cung cấp hiệu suất tìm kiếm từ khoá. Tích hợp với CRM và email marketing giúp bạn thấy được phễu kinh doanh đang hoạt động như thế nào. 


  1. Dự đoán tương lai: Google Analytics hỗ trợ dự báo và phát triển dài hạn thông qua phân tích dữ liệu lịch sử. Ví dụ sẽ gợi ý cho bạn nội dung nào hiệu quả, hay các insight người dùng tiềm năng trong tương lai. 

Google Analytics

4 chỉ số cốt lõi Google Analytics

Để hiểu hết toàn bộ các dữ liệu trên công cụ Google Analytics cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, công cụ này phân lại các chỉ số theo 4 nhóm: Audience, Acquisition, Behavior, và Conversions. Hiểu được kiến thức nền tảng này sẽ giúp bạn dễ nhận biết mục đích của từng chỉ số riêng lẻ.


Audience (Đối tượng người dùng)

Audience trong Google Analytics giúp bạn hiểu rõ hơn về nhóm người đang truy cập website.


  • Demographics (Nhân khẩu học): thông tin chung về người dùng truy cập theo độ tuổi và giới tính. Ví dụ người dùng của website là nữ từ 18-30 tuổi, hoặc nam từ 30-45 tuổi.


  • Interests (Sở thích): thông tin về sở thích của người dùng (mua sắm, du lịch, công nghệ, nuôi dạy con, phát triển bản thân…). Ví dụ, người dùng trang của bạn có mối quan tâm đặc biệt đến phát triển bản thân, nhưng lại đi sâu hơn vào tâm thức, bạn có thể điều hướng các nội dung chủ đề tâm linh.


  • Geography (Vị trí địa lý): vị trí người dùng truy cập vào Website của bạn, thường đo lường bằng IP của máy tính. Ví dụ: 70% đến từ Việt Nam, 10% đến từ Nhật Bản, 8% đến từ Mỹ…


  • Technology (Công nghệ): thông tin về thiết bị khách truy cập (máy tính, điện thoại, máy tính bảng) giúp tối ưu giao diện website. Ví dụ nếu phần lớn khách hàng dùng điện thoại, cần tối ưu trải nghiệm di động.


  • Returning và New Users (Người dùng mới và quay lại): tỷ lệ người dùng mới và cũ quay lại website của bạn, đánh giá mức độ thu hút và giữ chân khách hàng. 

google analytics

Acquisition (Nguồn gốc truy cập)

Acquisition trong Google Analytics là nơi bạn có thể tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc khách truy cập website giúp bạn nắm rõ kênh nào đang mang lại lưu lượng truy cập nhiều nhất. Dựa trên số liệu bạn biết cách phân bổ ngân sách một cách hiệu quả vào các kênh phù hợp. 


  • Organic Search (Tìm kiếm tự nhiên): lượng truy cập tự nhiên đến từ các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, hoặc Yahoo…Khi người dùng tìm kiếm thông tin và tình cờ thấy website của bạn trong kết quả tìm kiếm.


  • Paid Search (Quảng cáo trả phí): lượng truy cập từ việc quảng cáo như Google Ads.


  • Direct (Truy cập trực tiếp): lượng truy cập này xuất phát từ những người dùng nhập trực tiếp URL website của bạn vào trình duyệt hoặc lưu trang website dưới dạng dấu trang.


  • Referral (Giới thiệu): lượng truy cập đến từ các website khác có liên kết tới trang của bạn. Ví dụ, nếu một bài viết trên trang đối tác hoặc một liên kết trên diễn đàn trỏ về website của bạn, đó sẽ được tính là lượt truy cập Referral.


  • Social (Mạng xã hội): lượng truy cập này đến từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn hoặc Pinterest. 

    google analytics

Behavior (Hành vi người dùng)

Behavior trong Google Analytics cung cấp thông tin chi tiết về cách khách truy cập tương tác với website của bạn. 


  • Site Content (Nội dung trang): là nơi bạn biết được trang nào trên website khách truy cập nhiều nhất, thời gian họ ở lại trên từng trang, và mức độ tương tác với bài đăng.


Ví dụ một bài viết trên website có lượng truy cập nhiều nhưng thời gian ở lại ngắn, điều đó có thể cho thấy nội dung không đủ hấp dẫn hoặc không đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng. 


  • Behavior Flow (Luồng hành vi): cho phép bạn theo dõi hành trình của người dùng trên website, từ trang họ bắt đầu đến, ở lại và trang mà họ rời đi. 


Ví dụ nếu bạn phát hiện hầu hết người dùng chỉ dừng lại ở mục xem trang mà chưa mua hàng, có thể quy trình cài đặt chưa rõ ràng hoặc giao diện chưa tối ưu, cần cải thiện để điều hướng khách mua hàng.


  • Site Search (Tìm kiếm trên site): phân tích từ khóa mà người dùng tìm kiếm trực tiếp trên website của bạn. Điều này giúp bạn hiểu rõ nhu cầu của khách truy cập và điều chỉnh nội dung để phục vụ họ tốt hơn. 


Ví dụ nếu người dùng thường xuyên tìm kiếm một sản phẩm nhiều lần nhưng không tìm thấy, bạn có thể cân nhắc bổ sung sản phẩm đó hoặc cải thiện hệ thống tìm kiếm để hiển thị kết quả dễ dàng hơn.


  • Exit Pages (Trang thoát): các trang mà người dùng thường rời đi trên website. Phân tích thông tin này giúp bạn xác định những trang có vấn đề cần cải thiện về câu chữ, hình ảnh, tiêu đề... 


Ví dụ nếu trang giỏ hàng là nơi nhiều người rời đi, có thể là do quy trình thanh toán phức tạp, giao diện chưa thân thiện với người dùng… Hiểu được điều này giúp bạn có chiến lược điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách.

google analytics

Conversions (Chuyển đổi)

Conversions trong Google Analytics giúp bạn theo dõi và đánh giá những hành động chuyển đổi trên website như đăng ký email, mua hàng, tải tài liệu, hoặc điền vào form liên hệ. 


  • Goals (Mục tiêu): cho phép bạn thiết lập và theo dõi các mục tiêu cụ thể mà bạn muốn người dùng hoàn thành trên website. 


Ví dụ: Nếu mục tiêu của bạn là "đăng ký nhận email", bạn có thể theo dõi có bao nhiêu người đã điền thông tin vào form đăng ký và tỷ lệ hoàn thành mục tiêu so với tổng số khách truy cập. Nếu tỷ lệ này thấp, bạn có thể cần điều chỉnh lời kêu gọi hành động (CTA), cải thiện giao diện form, hoặc thêm ưu đãi để thu hút người dùng.


  • E-commerce (Thương mại điện tử): đây là mục phân tích dành cho các website bán hàng trực tuyến, giúp bạn theo dõi các chỉ số quan trọng như số lượng đơn hàng, doanh thu, giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng (Average Order Value), và tỷ lệ hoàn thành giao dịch. 


Ví dụ: Nếu bạn nhận thấy doanh thu tăng nhưng giá trị trung bình trên mỗi đơn hàng thấp, bạn có thể cân nhắc triển khai các chiến lược upsell (khuyến khích khách hàng mua thêm sản phẩm liên quan) hoặc cung cấp ưu đãi cho đơn hàng có giá trị lớn hơn.


  • Multi-Channel Funnels (Kênh chuyển đổi đa nguồn): mục này phân tích các kênh mà người dùng trải qua trước khi hoàn thành mục tiêu. 


Ví dụ một khách hàng thấy sản phẩm của bạn trên Facebook (mạng xã hội), sau đó tìm kiếm thêm thông tin qua Google (tìm kiếm tự nhiên), và cuối cùng truy cập lại thông qua email quảng cáo trước khi mua hàng. Hiểu được hành trình này giúp bạn đánh giá kênh nào đóng vai trò quan trọng nhất và tối ưu hóa chiến lược trên từng kênh.

Tóm lại, tổng quan về công cụ Google Analytics thông qua 4 nhóm chính đã giúp bạn toàn bộ khía cạnh của công cụ này. Huy biết có nhiều chỉ số mà bạn chưa cần dùng tới khi mới bắt đầu xây dựng. 


Nhưng không sao cả, biết rộng rồi tới biết sâu. 


Kết luận

Google Analytics là một công cụ mạnh mẽ và toàn diện, cung cấp bức tranh tổng thể để bạn hiểu cách người dùng tương tác với website. 


Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Bên trong công cụ này còn rất nhiều khía cạnh chi tiết hơn để bạn khám phá, từ cách cài đặt mã theo dõi vào website, cách đọc từng chỉ số cụ thể, cho đến việc sử dụng dữ liệu để phân tích sâu hơn nhằm phục vụ cho các kế hoạch marketing. 


Một bài viết chia sẻ như thế này chắc chắn không thể truyền tải hết tất cả mọi thứ. Để đi xa hơn, bạn có thể tham khảo các kênh YouTube chuyên hướng dẫn về Google Analytics với nội dung dễ hiểu và thực tế:


Measure School: Tập trung vào các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, từ cách thiết lập đến phân tích số liệu.


Analytics Mania: Phù hợp với những người mới bắt đầu, cung cấp các video ngắn gọn và dễ hiểu.


Simplilearn: Mang đến các khóa học phân tích số liệu miễn phí và có cấu trúc bài bản.


Huy tin rằng với 4 nguồn thông tin quan trọng khi phân tích Google Analytic đã giúp bạn có được một bức tranh tổng quan và nắm được kiến thức nền tảng vững chắc. 


Đừng quên thả bình luận bên dưới những điểm còn thắc mắc về nội dung này.

18 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page